GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi mọi người tích cực ủng hộ và tham gia Tuần lễ Làm mẹ an toàn để nâng cao sức khỏe, góp phần giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em ở Việt Nam.
Chênh lệch lớn về tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở các vùng miền
Sáng 30/9, UBND tỉnh Hòa Bình, Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, Bộ Y tế, Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp tổ chức Lễ phát động Tuần lễ Làm mẹ an toàn 2023 tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Sự kiện với sự tham dự của hơn 300 khách mời đến từ nhiều địa phương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bộ Y tế triển khai “Tuần lễ Làm mẹ an toàn” năm 2023 tại 51 tỉnh thành phố, thời gian từ ngày 01/10 đến ngày 07/10/2023. Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 có chủ đề: “Làm mẹ an toàn – Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé” nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em.
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, GS.TS.Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Làm mẹ an toàn là một trong các nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mục tiêu của Làm mẹ an toàn nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Chính vì vậy, các nội dung giáo dục sức khỏe về Làm mẹ an toàn đã được Tổ chức Y tế thế giới và nhiều nước quan tâm, trở thành nội dung quan trọng của Chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn cầu. Giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ em, giảm suy dinh dưỡng trẻ em là những mục tiêu quan trọng của ngành y tế các nước trên thế giới, thể hiện sự phát triển y học, sự quan tâm và các chính sách đầu tư của nhà nước cho ngành y tế.
Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ Việt Nam, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sức khỏe sinh sản ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Các chỉ số về Sức khỏe bà mẹ và trẻ em mà Việt Nam đã đạt được là khá tốt so với nhiều quốc gia có tương đương mức thu nhập bình quân đầu người. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ về sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Các chỉ tiêu Chính phủ giao về lĩnh vực sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong nhiều năm qua đều hoàn thành. Trong vòng hơn 20 năm (từ giai đoạn 2000-2001 đến 2021-2022), tử vong mẹ giảm từ 165/100.000 xuống còn 46/100.000 trẻ đẻ sống; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm hơn 2 lần (từ 39,6‰ xuống còn 18,9‰) và tử vong trẻ em dưới 1 tuổi cũng đã giảm hơn 2 lần (từ 29,5‰ xuống còn 12,1‰). Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm mạnh từ 33,8% (năm 2000) nay còn 11,2% (thể nhẹ cân) và từ 29,3% (năm 2010) nay giảm còn 19,2% (thể thấp còi). Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi tiếp tục được duy trì ở mức cao >90%.
Tuy nhiên, so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á – về tử vong mẹ và tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, Việt Nam đang ở vị trí thứ 4. So với các nước phát triển, Việt Nam đang còn khoảng cách khá xa: Tử vong mẹ ở Nhật Bản 2,8/100.000, ở Pháp 5,7/100.000, Đức 4,6/100.000 trẻ đẻ sống. Tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Nhật Bản, Thụy Điển, Phần Lan từ 1‰ đến 2‰.
Việt Nam chúng ta hiện nay còn có sự chênh lệch, khác biệt khá lớn về tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cao gấp 2 đến 3 lần so với vùng thành thị, đồng bằng; Tử vong mẹ giữa các dân tộc thiểu số so với người Kinh cao gấp nhiều lần. Các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Kon Tum, Đắk Nông, Lào Cai vẫn có tỷ suất tử vong mẹ và tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi cao nhất hiện nay, gấp 2-3 lần so với trung bình cả nước.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, nguyên nhân chủ yếu là do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau khi sinh của người dân cũng như chất lượng dịch vụ, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn hạn chế, gặp không ít khó khăn. Phong tục, tập quán trong chăm sóc, nuôi dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em; tình trạng phụ nữ có thai không đi khám thai và quản lý thai, đẻ tại nhà vẫn còn khá phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế và yếu về năng lực chuyên môn.
Để giải quyết những vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế cùng các Bộ ban ngành có liên quan và các địa phương đã và đang thực hiện triển khai nhiều chương trình, đưa ra nhiều giải pháp can thiệp về chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng.
Không một bà mẹ và trẻ em Việt Nam nào bị bỏ lại phía sau
Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 được Bộ Y tế triển khai từ ngày 01-07/10/2023 với chủ đề “Làm mẹ an toàn – Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé”, thực hiện tại 51 tỉnh thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Trong tuần lễ này, các địa phương sẽ tăng cường mọi nguồn lực, thực hiện nhiều hoạt động nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và tạo sự ủng hộ toàn xã hội đặc biệt là chính quyền các cấp về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; tăng cường và nâng cao chất lượng các dịch vụ truyền thông, tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ thường/mổ đẻ;
Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động Chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; chủ động và tích cực thực hiện các giải pháp trong Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,… hướng tới không một bà mẹ và trẻ em Việt Nam nào bị bỏ lại phía sau.
“Hôm nay, chúng ta tập trung đầy đủ tại đây để tổ chức Lễ phát động Tuần Lễ làm mẹ an toàn năm 2023 chính là thông điệp mạnh mẽ để một lần nữa khẳng định cam kết của ngành y tế, của lãnh đạo các cấp, các ngành cũng như mỗi người vì mục tiêu giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ em mà chúng ta đang hướng tới.
Nhân sự kiện này, tôi đề nghị Sở Y tế 51 tỉnh/TP chỉ đạo các cơ sở y tế trong toàn tỉnh tổ chức Tuần lễ Làm mẹ an toàn tại các địa phương theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tôi mong rằng tất cả phụ nữ mang thai và đang nuôi con nhỏ, các cán bộ y tế, mỗi người chồng, người cha, người thân trong gia đình, mọi người hãy quan tâm đến chăm sóc phụ nữ mang thai, chăm sóc trẻ em; hãy tích cực ủng hộ và tham gia Tuần lễ Làm mẹ an toàn để nâng cao sức khỏe, góp phần giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em ở Việt Nam” – GS.TS Trần Văn Thuấn phát biểu tại sự kiện.
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thuộc phạm vi triển khai chương trình, các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động của Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng địa phương đơn vị.
Lễ phát động Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 do UBND tỉnh Hòa Bình phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, Bộ Y tế, Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức. Sự kiện có sự đồng hành của các nhãn hàng gồm Công ty TNHH Kimberly Clark Việt Nam, nhãn hàng Huggies & Kotex, Công ty Ajinomoto Việt Nam, Công ty TNHH Green Cross Việt Nam, Công Ty Abbott Việt Nam; Công Ty TNHH Meiji Food Việt Nam; Công Ty TNHH Thương mại Vạn An, nhãn hàng Hipp…
Bà i viết liên quan
Các nhà khoa học Bệnh Viện TW Huế dùng tia plasma lạnh điều trị vết bỏng nhanh liền sẹo
Bệnh viện Trung ương Huế đã nghiên cứu và làm chủ quy trình công nghệ...
Th9
Plasma lạnh hỗ trợ điều trị vết mổ nông thành bụng
Một nghiên cứu lâm sàng về tác dụng phối hợp của plasma lạnh trong điều...
Th3
Plasma lạnh và hướng đi mới cho các thủ thuật trẻ hóa làn da, tạo đường nét khuôn mặt và cằm
Trong một báo cáo lâm sàng được đăng trên tạp chí Thieme Medical Publishers, thiết bị...
2 Bình luận
Th2
Plasma lạnh tác động như thế nào tới quá trình liền vết thương
Quá trình liền vết thương bao gồm 3 giai đoạn: cầm máu và tiêu viêm;...
Th1
Kháng kháng sinh (Phần 2) – Hiện tượng kháng kháng sinh ở Việt Nam
Năm 2009, một nghiên cứu mô tả cắt ngang được triển khai nhằm thu thập...
Th1
Kháng kháng sinh (Phần 1) – Đại dịch thầm lặng
Trên toàn cầu, cứ ba phút lại có một trẻ tử vong do nhiễm trùng...
Th1